Chi phí xác minh điều kiện thi hành án

Chi phí xác minh điều kiện thi hành án

 

 

Công ty chúng tôi hiện đang làm hồ sơ thi hành án gửi Chi cục Thi hành án dân sự. Chi cục Thi hành án dân sự yêu cầu công ty chúng tôi làm thêm một đơn đề nghị xác minh điều kiện thi hành án, như vậy công ty chúng tôi cần thêm 2 thông tin như sau:

1. Hồ sơ thi hành án có cần thiết phải có Đơn đề nghị xác minh điều kiện thi hành án hay không? Nếu có thì theo quy định nào?

2. Chi phí cho việc xác minh là bao nhiêu và công ty chúng tôi trả theo căn cứ nào?

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc Dziễm

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Vấn đề có cần thiết phải có đơn đề nghị xác minh điều kiện thi hành án hay không?

Theo quy định tại Điều 31, 44 Luật Thi hành án dân sự hiện nay, Điều 4 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ thìđơn yêu cầu thi hành án phải có thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Trường hợp đơn yêu cầu thi hành án không đầy đủ nội dung theo quy định thì cơ quan thi hành án dân sự thông báo cho người yêu cầu thi hành án biết để bổ sung thông tin.

Để có được thông tin nêu trên thì người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án. Nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh. Người được thi hành án khi yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án phải xuất trình các tài liệu hoặc biên bản làm việc để chứng minh việc người đó hoặc người đại diện theo ủy quyền đã tiến hành xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ các thông tin về tài sản, đang quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án nhưng không có kết quả. Việc xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân được coi là không có kết quả khi người được thi hành án hoặc người được ủy quyền chứng minh đã trực tiếp hoặc yêu cầu bằng văn bản nhưng đã quá thời hạn 01 tháng, kể từ ngày yêu cầu nhưng không nhận được văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không có lý do chính đáng.

Do vậy, nếu Công ty không cung cấp được thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì cần có đơn yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án.

2. Về chi phí cho việc xác minh điều kiện thi hành án?

Người được thi hành án yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án thì phải chịu chi phí xác minh theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 73 Luật Thi hành án dân sự. Mức chi phí quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 và Điều 3 Thông tư liên tịch số 184/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 19/12/2011 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp “hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự” gồm:

– Chi tiền công tác phí cho các đối tượng tham gia vào việc xác minh điều kiện thi hành án: Thực hiện theo Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 6/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị trong cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

– Chi bồi dưỡng cho các đối tượng tham gia vào quá trình xác minh điều kiện thi hành án:

+ Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án, kiểm sát viên, cảnh sát: Mức 50.000 đồng/người/ngày.

+ Dân quân tự vệ, đại diện chính quyền địa phương và các đối tượng khác: Mức 70.000 đồng/người/ngày.

– Các chi phí khác phục vụ trực tiếp cho việc xác minh điều kiện thi hành án: Được thực hiện căn cứ theo hợp đồng, thanh lý hợp đồng, hoá đơn, chứng từ chi tiêu thực tế, hợp pháp, hợp lệ theo quy định và được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phê duyệt.

Các văn bản liên quan:

Thông tư liên tịch 184/2011/TTLT-BTC-BTP Hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự

Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Thông tư 97/2010/TT-BTC Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập

Nghị định 125/2013/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự

Tham khảo thêm:

1900.0191