Hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa và một số kiến nghị hoàn thiện

Hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa và một số kiến nghị hoàn thiện

Hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa là chế định quan trọng của Luật Thương mại và là một trong bốn hoạt động trung gian thương mại được quy định trong Chương 5 Luật Thương mại.

Ủy thác mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận uỷ thác thực hiện công việc mua bán hàng hoá với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác và được nhận thù lao uỷ thác (Điều 155). Ủy thác mua bán hàng hóa có lịch sử hình thành khá sớm, khởi nguồn là uỷ thác trong thương mại hàng hải.

Khoảng thế kỷ XIII, do nhu cầu của việc mở rộng quy mô và cường độ buôn bán hàng hoá của thương nhân từ nước này sang nước khác qua đường biển, thương nhân thay vì theo hàng hoá giao tại cảng đến, họ uỷ thác cho các thương nhân khác thực hiện công việc đó thay mình và trả thù lao.

Ở Việt Nam, trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hoá tập trung, uỷ thác khẳng định vai trò và ý nghĩa của nó chủ yếu trong hoạt động xuất nhập khẩu. Hiện nay, uỷ thác được tìm thấy trong nhiều lĩnh vực thương mại và là giải pháp lý tưởng cho các thương nhân không muốn mất chi phí vào việc mua bán hàng hoá hay đầu tư mà không đem lại hiệu quả.

Như vậy, uỷ thác đặt ra khi một người hay một tổ chức, pháp nhân không có đủ điều kiện cần thiết (năng lực pháp lý, khả năng tài chính, nguồn nhân lực…) để thực hiện một số hoạt động thương mại – họ cần một thương nhân có năng lực thực tế, sự chuyên nghiệp và hiệu quả để thay họ làm việc đó. Với 11 điều (từ Điều 155 đến Điều 165), các quy định pháp luật về hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa có thể coi là hành lang pháp lý cần thiết cho các giao dịch ủy thác mua bán hàng hóa được đảm bảo thực hiện trong thực tiễn.

Tuy nhiên, chế định này chưa được quy định tương xứng với vị trí, vai trò của nó và đòi hỏi của thực tiễn kinh doanh, khi được thực hiện nó bộc lộ nhiều hạn chế như: Mâu thuẫn giữa quy định của Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự, phạm vi ủy thác giới hạn, thiếu nhiều quy định cần thiết liên quan đến phân chia lợi nhuận chênh lệch phát sinh từ hoạt động ủy thác hay xử lý hàng hoá uỷ thác không được tiếp nhận…

Quá trình nghiên cứu, khảo sát các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam từ năm 2005 đến 2009 cho thấy, có nhiều tranh chấp về hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa trong đó có nguyên nhân từ những hạn chế này(1).

Những bất cập của pháp luật thực định và thực trạng thực thi pháp luật về hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa cho thấy, sự đòi hỏi khách quan phải hoàn thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong tính toàn diện và đa chiều, trong đó có pháp luật thực định. Hướng đến hoàn thiện pháp luật về hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa, chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị sau đây:

1. Ghi nhận chế định hợp đồng đối với các hoạt động trung gian thương mại và phân định rõ ràng thuật ngữ ủy thác trong Luật Thương mại

Chưa bao giờ ủy thác mua bán hàng hóa trở nên quan trọng và phổ biến trong thực tiễn kinh doanh như hiện nay, đặc biệt đối với mua bán hàng hóa quốc tế.

Vì những lý do nào đó, khi một cá nhân, tổ chức hay pháp nhân không thể thực hiện mua bán hàng hóa bằng năng lực của chính mình, khi đó họ phải thông qua một thương nhân có năng lực thực tế để làm việc đó – thương nhân nhận uỷ thác.

Về bản chất, hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa là một giao dịch đặc thù của giao dịch dân sự trong thương mại. Bộ luật Dân sự sử dụng thuật ngữ giao dịch dân sự hay hợp đồng dân sự để chỉ các hoạt động trong giao lưu dân sự, trong khi Luật Thương mại sử dụng thuật ngữ hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa.

Khi nghiên cứu chế định này có thể nhận thấy, hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa thể hiện đầy đủ các yếu tố của một giao dịch thương mại và là một trong những giao dịch thương mại chủ yếu, quan trọng, cơ sở pháp lý cho hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa được thực hiện nhưng không được quy định là giao dịch hay hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa trong Luật Thương mại.

Hơn thế, các điều luật trong chế định hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa về thực chất, phản ánh những yếu tố của các điều khoản hợp đồng. Rõ ràng, có sự mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức thể hiện của chế định. Hơn nữa, Luật Thương mại sử dụng thuật ngữ uỷ thác trong khi Bộ luật Dân sự dùng thuật ngữ uỷ quyền mà chưa có sự phân định rõ ràng.

Tại sao Luật Thương mại không sử dụng thuật ngữ uỷ quyền mua bán hàng hóa thống nhất với Bộ luật Dân sự?Tuy bản chất của uỷ quyền trong dân sự khác uỷ thác trong thương mại ở tư cách pháp lý của người thụ uỷ khi thực hiện nghĩa vụ uỷ nhiệm, nhân danh người chủ uỷ (trong uỷ quyền) và nhân danh chính người thụ uỷ (trong uỷ thác).

Tuy nhiên, về phương diện thuật ngữ cần có sự phân định rõ ràng giữa thuật ngữ uỷ thác trong thương mại và uỷ quyền trong dân sự để có một sự thống nhất chung trong hệ thống pháp luật. Đây không chỉ là vấn đề mang tính học thuật về một thuật ngữ trong khoa học pháp lý, mà còn là yêu cầu khách quan về sự phù hợp và thống nhất của hệ thống pháp luật.

Do vậy, cần sửa chế định hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa và các hoạt động trung gian thương mại khác thành hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa, hợp đồng đại diện cho thương nhân, hợp đồng môi giới thương mại, hợp đồng đại lý thương mại; phân định rõ thuật ngữ ủy thác trong Luật Thương mại trong tính thống nhất với thuật ngữ ủy quyền trong Bộ luật Dân sự.

2. Quy định nhận uỷ thác của nhiều bên chỉ trong trường hợp hợp đồng không có thỏa thuận khác

Nguyên tắc thiện chí được coi là một trong những nguyên tắc nền tảng khi xác lập và thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự được Bộ luật Dân sự quy định và là điều kiện căn bản để các bên giao kết và thực hiện hợp đồng.

Sẽ không thể hình thành cam kết hay thoả thuận nếu không có thiện chí hay biểu hiện của thiện chí ở bất cứ giai đoạn nào của cam kết hay thoả thuận.

Tuân thủ nguyên tắc là yêu cầu và không có ngoại lệ. Song giữa nguyên tắc chung và các quy định cụ thể của Luật Thương mại lại không thống nhất.

Thiện chí là yêu cầu đòi hỏi tinh thần hợp tác giữa các bên khi tạo lập và thực hiện các quyền, nghĩa vụ hợp đồng. Theo đó, mỗi bên không chỉ quan tâm đến quyền và lợi ích của mình, mà còn phải quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể phía bên kia.

Thiện chí cũng biểu hiện ở việc tìm kiếm các biện pháp cần thiết để khắc phục và hạn chế thiệt hại khi nghĩa vụ hợp đồng có thể bị vi phạm. Như vậy, về nguyên tắc, nếu việc thực hiện quyền pháp lý của một bên chủ thể có khả năng gây thiệt hại cho chủ thể phía bên kia hoặc ảnh hưởng đến quan hệ hợp đồng, thì hành vi đó phải được loại trừ.

Điều 161 Luật Thương mại quy định: “Bên nhận uỷ thác có thể nhận uỷ thác mua bán hàng hoá của nhiều bên uỷ thác khác nhau”. Trong thực tế, nếu bên nhận uỷ thác nhận uỷ thác bán hàng cho nhiều bên uỷ thác mà hàng hoá nhận uỷ thác cùng chủng loại, cùng tính năng sử dụng thì trong một chừng mực, đã vi phạm yêu cầu của nguyên tắc thiện chí.

Sẽ không thể coi là thiện chí thực hiện hợp đồng khi đang trong quá trình thực hiện hợp đồng với một bên, bên nhận uỷ thác nhận uỷ thác một chủng loại hàng tương tự của một đơn vị khác, dẫn đến khả năng không thể thực hiện đúng cam kết, vi phạm nghĩa vụ hợp đồng đã ký kết hoặc gây áp lực tăng phí uỷ thác.

Ví dụ, công ty A ký kết hợp đồng ủy thác xuất khẩu cà phê cho doanh nghiệp B.

Đang trong thời gian thực hiện hợp đồng, công ty A nhận được một chào hàng xuất khẩu cà phê hấp dẫn từ một doanh nghiệp khác. Họ đã lập tức ký tiếp hợp đồng với doanh nghiệp này và ưu tiên bán hàng cho đối tác mới. Do lượng cà phê ủy thác bán chậm, không thu hồi được vốn, doanh nghiệp B qua tìm hiểu mới biết sự việc trên. Bức xúc nhưng không thể khởi kiện do Điều 161 Luật Thương mại quy định: “Bên nhận uỷ thác có thể nhận uỷ thác mua bán hàng hoá của nhiều bên uỷ thác khác nhau”, doanh nghiệp B chỉ còn biết chấp nhận thua thiệt.

Rõ ràng, với quy định này, Luật Thương mại đã trở thành rào cản cho hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa.

Như vậy, Điều 161 nên bổ sung “bên nhận uỷ thác có thể nhận uỷ thác mua bán hàng hoá của nhiều bên uỷ thác khác nhau nếu hợp đồng không có thoả thuận khác”.

3. Quy định rõ về việc phân chia lợi nhuận chênh lệch phát sinh

Đó là trường hợp bên nhận uỷ thác ký hợp đồng với khách hàng theo những điều kiện thuận lợi hơn so với các điều kiện do bên uỷ thác đặt ra (bán hàng với giá cao hơn hoặc mua hàng với giá thấp hơn giá bên uỷ thác chỉ định) nhưng Luật Thương mại chưa có quy định cụ thể.

Thông thường, các bên có thể thoả thuận để phân chia khoản chênh lệch đó, tuy nhiên, đối với những khoản lợi nhuận có giá trị lớn hoặc trường hợp bên nhận uỷ thác mua hàng với giá cao hơn hoặc bán hàng với giá thấp hơn giá bên uỷ thác yêu cầu thì thoả thuận khó có thể đạt được, đặc biệt trường hợp uỷ thác vụ việc.

Luật Thương mại nên có quy định cụ thể về vấn đề này.

Điều 554 Luật Thương mại Nhật Bản quy định: “Trường hợp người đại diện uỷ nhiệm đã bán hàng với giá thấp hơn hoặc mua hàng với giá cao hơn giá người chủ uỷ đã chỉ định, thì người đại diện uỷ nhiệm phải tự mình chịu khoản chênh lệch đó và người chủ uỷ phải chấp nhận điều này”(2).

Với quy định này, Luật Thương mại Nhật Bản đã xác định rõ trách nhiệm của bên đại diện ủy nhiệm đối với khoản chênh lệch phát sinh ngoài cam kết hợp đồng. Trong tiến trình cải cách và hoàn thiện pháp luật thực định, những bổ sung, sửa đổi theo hướng đó là thực sự cần thiết.

Như vậy, lợi nhuận chênh lệch phát sinh không chỉ trong trường hợp bên nhận uỷ thác ký hợp đồng với khách hàng theo những điều kiện kém thuận lợi hơn, mà cả trong trường hợp thuận lợi hơn so với các điều kiện do bên uỷ thác đặt ra cũng cần được dự liệu.

4. Quy định rõ về xử lý hàng hoá uỷ thác không được tiếp nhận

Trong thực tế, hàng hoá được uỷ thác mua đã sẵn sàng giao nhận theo yêu cầu của bên uỷ thác nhưng người chủ uỷ, vì nhiều lý do khác nhau, không tiếp nhận hàng hoá được uỷ thác mặc dù người nhận uỷ thác, trong quá trình thực hiện hợp đồng, đã thực hiện theo các chỉ dẫn và đã nhận thù lao uỷ thác.

Điều này có thể dẫn đến nhiều rắc rối cho người nhận uỷ thác trong việc giải phóng hàng và thanh lý hợp đồng (thời hạn cập cảng, phí thuê tàu, địa điểm và phí lưu kho…).

Đây cũng là những đòi hỏi bức thiết cần có quy định cụ thể của pháp luật xử lý trường hợp hàng hoá uỷ thác mua không được tiếp nhận.

Điều 556 Luật Thương mại Nhật Bản quy định: “Khi người chủ uỷ không tiếp nhận hàng hoá được uỷ thác mặc dù người đại diện uỷ nhiệm đã thực hiện các chỉ dẫn và đã nhận thù lao, khi đó người đại diện uỷ nhiệm có thể ký gửi tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bán đấu giá trực tiếp hàng hoá đó và cất đi riêng khoản lợi nhuận chênh lệch từ giá mua với giá đã bán đấu giá”(3).

Với quy định này, Luật Thương mại Nhật Bản đã xác định rõ cách thức xử lý hàng hóa ủy thác không được tiếp nhận. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc ràng buộc trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng đã cam kết đối với các chủ thể quan hệ hợp đồng, mà còn có ý nghĩa như chế tài trong trường hợp nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Luật Thương mại Việt Nam cần có quy định cụ thể đối với hàng hoá uỷ thác không được tiếp nhận trong trường hợp này.

Hàng hoá uỷ thác không được tiếp nhận có thể được xử lý theo hướng ký gửi tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (hải quan, kho bãi hợp pháp) hoặc bán trực tiếp hoặc đấu giá hàng hoá đó và khoản lợi nhuận chênh lệch từ giá mua với giá đã bán trực tiếp hoặc đấu giá thuộc về người nhận uỷ thác trong trường hợp này.

5. Mở rộng phạm vi uỷ thác đối với các công việc khác ngoài mua bán hàng hóa

Trong thực tiễn, có rất nhiều các hoạt động uỷ thác như, ủy thác đầu tư tài chính, uỷ thác đầu tư xây dựng, uỷ thác cho vay tín dụng, uỷ thác cho thuê tài sản… là các hoạt động thương mại quan trọng và phổ biến song lại chưa được quy định trong Luật Thương mại.

Luật Thương mại chỉ quy định uỷ thác trong lĩnh vực mua bán hàng hóa.Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước quy định đại diện đối với cả các lĩnh vực ngoài mua bán hàng hóa. Hướng tới hoàn thiện chế định hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa trong Luật Thương mại, đây cũng là điểm quan trọng cần sửa đổi, bổ sung.

Câu hỏi đặt ra là Luật Thương mại chỉ quy định về ủy thác mua bán hàng hóa, vậy trong thực tế các hình thức uỷ thác đầu tư hoặc uỷ thác cho vay được pháp luật điều chỉnh như thế nào?Hoặc liệu uỷ thác cho vay tín dụng có được áp dụng như cho vay tín dụng thông thường?

Ví dụ: Tổ chức tài chính A cho vay đối với một doanh nghiệp B, thủ tục giấy tờ và hợp đồng tín dụng đã ký kết. Giải ngân được một phần (do cần đầu tư cho một khoản vay khác hoặc khoản vay vượt quá khả năng của quỹ lưu động…), sau đó tổ chức này mời một tổ chức tài chính C khác tham gia dưới hình thức ký kết hợp đồng ủy thác.

Thực chất, đây là một quan hệ uỷ thác trong lĩnh vực tín dụng. Tổ chức tài chính A không đủ khả năng cung cấp khoản vay cho doanh nghiệp B, do đó mời tổ chức tài chính C tham gia vào quan hệ này.

Theo quy định của pháp luật về uỷ thác, trong quan hệ với B, A là bên cho vay, là chủ nợ và được hưởng lãi suất tiền vay từ B; trong quan hệ với C, A là bên uỷ thác; C tham gia với tư cách là bên nhận uỷ thác cho vay tín dụng và được nhận phí uỷ thác từ A. Quan hệ ba bên trong trường hợp này cấu thành đầy đủ đặc điểm bản chất của uỷ thác.

Tuy nhiên, đầu tư hay cho vay tín dụng không được quy định cụ thể hay dẫn chiếu trong Luật Thương mại.

Trong thực tế, bản chất của các hành vi đầu tư, cho vay tín dụng và mua bán hàng hoá là hoàn toàn khác nhau.

Vì thế, uỷ thác đầu tư hay cho vay tín dụng không đồng nhất với ủy thác mua bán hàng hóa. Do vậy, không thể mượn hình thức ủy thác mua bán hàng hóa áp dụng cho vay tín dụng hay uỷ thác đầu tư. Yêu cầu có quy định hoặc chỉ dẫn áp dụng pháp luật đối với những trường hợp tương tự trong Luật Thương mại là vô cùng cần thiết.

Luật Thương mại Nhật Bản quy định: “Quy định của chương áp dụng với các trường hợp uỷ quyền thực hiện các công việc khác ngoài mua bán hàng hoá” (Điều 558) hay cụm từ “áp dụng với sửa đổi thích hợp về chi tiết” (Điều 556).

Như vậy, chỉ với quy định hoặc chỉ dẫn cần thiết, các hình thức uỷ thác như đầu tư, cho vay hay ủy thác trong các lĩnh vực khác đều có thể được điều chỉnh với các sửa đổi phù hợp với từng lĩnh vực chuyên biệt (đầu tư, tín dụng, ngân hàng…).

Với phạm vi uỷ thác quy định như hiện nay trong Luật Thương mại, các chủ thể, trong hoạt động thương mại, muốn sử dụng uỷ thác như một hành vi kinh doanh (uỷ thác đầu tư xây dựng, uỷ thác cho vay tín dụng, uỷ thác cho thuê tài sản…) sẽ không có hình thức pháp lý phù hợp.

Khi hoàn thiện Luật Thương mại năm 2005, chế định hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa cần mở rộng phạm vi áp dụng theo hướng áp dụng các quy định của ủy thác với các trường hợp uỷ thác thực hiện các công việc khác ngoài mua bán hàng hoá với sửa đổi phù hợp về chi tiết. Đây là hướng sửa đổi, bổ sung thực sự cần thiết, bởi thực tiễn ngày càng khẳng định vai trò của uỷ thác và các hình thức tồn tại đa dạng, phổ biến của uỷ thác trong thương mại.

Tài liệu tham khảo:

(1). Toà án nhân dân thành phố Hà Nội (2008, 2009), các bản án, quyết định xét xử tranh chấp về hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa; Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (2005, 2009), các quyết định xét xử tranh chấp về hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa.

(2). Tuyển tập Luật Thương mại & Luật những ngoại lệ và kiểm soát của Nhật Bản (1994), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

(3). Tuyển tập Luật Thương mại & Luật những ngoại lệ và kiểm soát của Nhật Bản (1994), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Nguyễn Thị Thu Huyền

Bài liên quan:

1900.0191