Vai trò của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự trong công tác thi hành án dân sự tại khu vực phía Nam
1. Cơ sở pháp lý của việc hình thành Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa IX ngày 6/10/1992 về việc bàn giao công tác thi hành án dân sự (THADS) từ Tòa án nhân dân sang Chính phủ, năm 1993, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo THADS (BCĐTHADS) để chỉ đạo việc bàn giao và chỉ đạo hoạt động THADS ở địa phương.
THADS là một công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi cấp ủy và chính quyền địa phương phải có nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của mình, sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất đối với công tác THADS. Tại Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11/9/2001 về việc “Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác THADS”, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Để tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác THADS, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp làm Trưởng ban để chỉ đạo công tác THADS tại địa phương”.
Với vai trò là cơ quan quản lý công tác THADS, ngày 22/3/2002, tại Quyết định số 96/2002/QĐ-BTP, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành “Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của BCĐTHADS cấp tỉnh, huyện”. Trong đó, quy định BCĐTHADS có chức năng “tham mưu và giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc chỉ đạo công tác THADS; tổ chức phối hợp các cơ quan, đơn vị hữu quan với cơ quan thi hành án tại địa phương”.
Ngày 01/7/2008, tại Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg về việc “Tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác THADS”, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo: “BCĐTHADS các cấp làm tốt công tác tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp và cấp trên tăng cường sự chỉ đạo phối hợp trong công tác THADS”.
Ngày 09/9/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS về cơ quan quản lý THADS, cơ quan THADS và công chức làm công tác THADS. Nghị định này cũng quy định Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn hoạt động của BCĐTHADS.
Ngày 11/7/2011, Thông tư liên tịch số 14/2011/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã quy định và hướng dẫn chi tiết hoạt động của BCĐTHADS.
Điều 175 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định:“Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với chấp hành viên và cơ quan THADS trong việc thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án và các nhiệm vụ khác về THADS trên địa bàn”.
Như vậy, có thể nói, BCĐTHADS đã được thành lập từ năm 1993, song song đó, một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ra đời, liên tục sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả của BCĐTHADS các cấp. Ở địa phương, BCĐTHADS thường xuyên được kiện toàn ở hai cấp là tỉnh và huyện, đã phát huy vai trò tích cực trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác THADS, đặc biệt đối với các vụ án khó tại cơ sở. Điều này đã góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan THADS.
2. Thực tiễn công tác thi hành án dân sự tại khu vực phía Nam và vai trò của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự
Khu vực phía Nam (Khu vực) bao gồm 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung tương từ Phú Yên trở vào đến Cà Mau[1] là một địa bàn trọng điểm, năng động – nơi tập trung một khối lượng án lớn, có tính chất phức tạp, giá trị thi hành cao, lượng án thụ lý đầu vào tăng nhanh hàng năm và đặc biệt có liên quan đến các án về kinh tế, tranh chấp bất động sản, vay nợ ngân hàng…[2]. Do vậy, vị trí và vai trò của BCĐTHADS càng trở nên quan trọng và có ý nghĩa đối với công tác THADS nói riêng và đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nói chung.
Cùng với sự phát triển của cơ quan THADS, BCĐTHADS hai cấp ở các địa phương trong Khu vực luôn được quan tâm kiện toàn. Đến nay, trong Khu vực, 25/25 tỉnh, thành phố, BCĐTHADS cấp tỉnh được thành lập và hoạt động khá hiệu quả,góp phần quan trọng vào kết quả công tác THADS trong thời gian qua. Về nhân sự, trưởng ban và các thành viên của BCĐTHADS được cơ cấu theo đúng quy định. Đối với cấp tỉnh, Chủ tịch hoặc 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm Trưởng ban. Ở nhiều địa phương, Trưởng ban do Chủ tịch đảm nhiệm, thể hiện sự quan tâm của địa phương đối với công tác này[3]; Cục trưởng Cục THADS làm Phó Trưởng ban. Các thành viên gồm: Đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh. BCĐTHADS cấp huyện do Chủ tịch hoặc 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Trưởng ban. Chi cục trưởng Chi cục THADS làm Phó Trưởng ban. Các ủy viên gồm: Đại diện lãnh đạo Phòng Tư pháp, Phòng Tài chính, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện và một số cơ quan tổ chức có liên quan ở cấp tương đương làm ủy viên BCĐTHADS trong một số trường hợp cần thiết.
Cùng với việc kiện toàn và sửa đổi quy chế làm việc cho phù hợp với tình hình thực tế, hầu hết BCĐTHADS các địa phương đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công văn, chỉ thị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác THADS theo nội dung tinh thần Công văn số 156 – CV/BCS ngày 25/12/2014 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về việc đề nghị phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo công tác Thi hành án dân sự.
Tại Khu vực, các BCĐTHADS hoạt động tương đối năng động và hiệu quả. Hoạt động phối hợp giữa BCĐTHADS với các cơ quan, tổ chức hữu quan khác tại mỗi tỉnh, thành phố cũng có sự gắn kết mạnh mẽ, giúp công tác THADS tiếp tục đạt được nhiều thành công. Mặc dù các thành viên phải làm việc kiêm nhiệm, BCĐTHADS không thường xuyên hoạt động, nhưng sự chỉ đạo và sức ảnh hưởng đến công tác THADS tại địa phương rất lớn, kết luận mang tính quyết định trong giải quyết các vụ việc phức tạp, khó thi hành và có ảnh hưởng tới an ninh trật tự, kinh tế, chính trị, xã hội ở địa phương. BCĐTHADS trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã phát huy tối đa vai trò phối hợp của các cấp, các ngành trong hoạt động chỉ đạo công tác THADS và tôn trọng hoạt động nghiệp vụ của cơ quan THADS theo quy định của pháp luật. Trong những tháng đầu năm 2015, tại một số tỉnh trong Khu vực, BCĐTHADS đã tiến hành họp đột xuất, trực tiếp cho ý kiến giải quyết nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp, khó thi hành[4].
Tùy vào tình hình thực tế của địa phương, BCĐTHADS có những cách chỉ đạo, phối hợp khác nhau đem lại hiệu quả thiết thực cho công tác THADS. Long An và TP. Hồ Chí Minh là những địa phương có cách làm hay, được xem là “điểm sáng” về công tác tham mưu và hoạt động của BCĐTHADS. Cụ thể:
– Tại TP. Hồ Chí Minh:Hoạt động của BCĐTHADS rất đa dạng, không chỉ dừng lại ở việc chỉ đạo phối hợp, chỉ đạo các vụ việc cưỡng chế mà còn thực hiện với vai trò là một bộ phận tham mưu, giúp cho Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác THADS tại địa phương. Theo đó, các hoạt động trong công tác THADS như: Kiện toàn bộ máy và tổ chức cán bộ, bố trí mặt bằng xây dựng trụ sở, kho vật chứng, tài chính… đều được Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện bằng các đề án. Hàng năm, bên cạnh việc cấp kinh phí cho hoạt động của BCĐTHADS theo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân thành phố còn cấp thêm kinh phí để chi trả cho phụ cấp kiêm nhiệm của các thành viên BCĐTHADS hai cấp. Điều này tạo thêm động lực không nhỏ cho hoạt động của BCĐTHADS. Bên cạnh đó, để giải quyết một lượng án lớn có hiệu quả, BCĐTHADS cũng đã có ý kiến đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố về đề án của Cục THADS thành phố trong việc cho phép tuyển và chi trả lương cho một số hợp đồng lao động ngoài biên chế của Tổng Cục THADS giao.
– Tại Long An: Hoạt động chỉ đạo, điều hành đối với công tác THADS của BCĐTHADS có thể xem là mô hình mới, hiệu quả trong Khu vực. Cấp ủy, chính quyền địa phương xác định công tác THADS là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở (xã, ấp).
Tại cấp tỉnh, kết quả công tác THADS hàng năm được xem là một trong những những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cấp ủy và chính quyền cấp huyện. Mỗi thành viên trong BCĐTHADS tỉnh đều được phân công phụ trách từng địa bàn huyện.
Tại cấp huyện, hàng năm, cấp ủy, Ủy ban nhân dân cấp huyện khi giao chỉ tiêu nhiệm vụ cho cấp xã đều có chỉ tiêu về kết quả công tác THADS. BCĐTHADS có sự phân công cụ thể từng thành viên phụ trách địa bàn cấp xã. Trưởng BCĐTHADS cấp huyện có thông báo lịch cố định hàng tuần gửi đến cấp xã trong việc phối hợp giữa chấp hành viên với Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc xác minh, giải quyết án và trực tiếp cùng Lãnh đạo Cục THADS kiểm tra công tác THADS ở một số xã trong huyện. Hàng tuần, thành viên BCĐTHADS dành một ngày để xuống địa bàn (kết hợp cùng Chi Cục trưởng) để chỉ đạo vận động và giải quyết việc thi hành án. Vụ việc nào khó khăn, vướng mắc thì chỉ đạo trực tiếp giải quyết tại chỗ. Hàng tháng, Ủy ban nhân dân huyện họp mở rộng đều có báo cáo kết quả về công tác THADS, Chủ tịch UBND huyện sẽ chỉ đạo trực tiếp cho thủ trưởng các ngành liên quan để phối hợp giải quyết ngay những vụ việc có khó khăn, vướng mắc.
Tại cấp xã, Đảng ủy xã đưa chỉ tiêu công tác THADS vào Nghị quyết của Đảng ủy để tập trung chỉ đạo. Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập Tổ vận động giải quyết THADS do Chủ tịch xã làm tổ trưởng, các thành viên gồm có đại diện Mặt trận Tổ quốc, công an, địa chính, tư pháp xã. Hàng tuần, chấp hành viên lên lịch phối hợp với Tổ để làm việc và giải quyết trực tiếp với đương sự, danh sách án trên địa bàn được Chi cục THADS thường xuyên cập nhật gửi cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã biết để chủ động phối hợp. Ủy ban nhân dân xã giao cho Trưởng ấp tham gia phối hợp hỗ trợ chấp hành viên xác minh, động viên người phải thi hành án trên địa bàn. Trường hợp vận động, thuyết phục lần đầu chưa đạt kết quả, Tổ vận động vẫn sẽ tiếp tục vận động, thuyết phục dù không có chấp hành viên cùng tham gia nhưng vẫn đem lại kết quả, đặc biệt là những vụ việc có giá trị thi hành thấp thì ở nhiều địa phương cấp xã, kết quả thi hành xong đạt 100%. Công tác vận động, thuyết phục trong thi hành án đã được chú trọng và tổ chức thực hiện đến ấp, khu phố, tiếp cận giải thích pháp luật, phân tích thiệt hơn trong việc tự nguyện hay bị cưỡng chế, dùng tình cảm phân tích “tình làng, nghĩa xóm”, phân tích động viên hai bên đương sự thỏa thuận theo hướng đôi bên cùng có lợi…
Mô hình hoạt động của BCĐTHADS tỉnh Long An đã đem lại hiệu quả thiết thực đối với công tác THADS tại địa phương. Từ thực tiễn mô hình này, có thể rút ra một số bài học như sau:
Một là,để đảm bảo hiệu quả bền vững, công tác THADS phải được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Hai là, áp dụng mô hình này, chấp hành viên không phải đơn độc khi thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn. Việc tổ chức thi hành án được công khai minh bạch, Chủ tịch cấp xã, Trưởng ấp và các tổ chức chính trị tại địa phương nắm rõ nội dung vụ việc cùng phối hợp với chấp hành viên tổ chức thi hành.
Ba là, việc phân loại án chính xác hơn do địa phương nắm được cụ thể những vụ việc nào có điều kiện thi hành. Từ đó, THADS cũng đạt được kết quả như mong muốn, hạn chế lượng án tồn đọng.
Bốn là, nắm bắt kịp thời tâm tư,nguyện vọng của người được thi hành án và người phải thi hành án để thuyết phục, vận động tự nguyện thi hành, làm giảm đi mức độ phức tạp, phải sử dụng đến việc cưỡng chế ở địa phương.
Hiệu quả mô hình phối hợp của BCĐTHADS tỉnh Long An được phản ánh rõ nét qua kết quả thi hành về việc cũng như về giá trị khá bền vững. Hàng năm, số vụ việc phải thi hành của Cục THADS tỉnh Long An gần 30.000 việc nhưng tỷ lệ giải quyết đạt được tương đối cao[5]; số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm đáng kể[6]. Riêng trong 09 tháng năm 2015, toàn tỉnh chỉ thụ lý 18 việc khiếu nại và 02 việc tố cáo, tất cả đều được xem xét, giải quyết kịp thời.
3. Một số hạn chế, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của BCĐTHADS trong Khu vực vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn cần khắc phục như sau:
Một là, nhận thức vai trò của cấp ủy, chính quyền về công tác THADS ở một số địa phương còn chưa đầy đủ, chưa xác định công tác THADS là nhiệm vụ chung của các ngành, các cấp ở địa phương. Nhiều địa phương, cơ quan THADS chưa làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, Ủy ban nhân dân và BCĐTHADS cùng cấp, chưa thực sự chủ động trong công tác phối hợp với các cơ quan trong khối nội chính, đặc biệt là các cơ quan thường xuyên phối hợp như: Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, công an; chất lượng tham mưu còn hạn chế.
Hai là, thành viên của BCĐTHADS giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt quan trọng, nhiều công việc, hoạt động với chế độ kiêm nhiệm nên không có nhiều thời gian dành cho công tác THADS. Do vậy, nhiều nơi, BCĐTHADS hoạt động chưa thật sự có hiệu quả.
Ba là, kinh phí hoạt động của BCĐTHADS chủ yếu được trích từ ngân sách địa phương, không có nguồn nào khác bổ sung. Việc chi trả phụ cấp kiêm nhiệm và chế độ bồi dưỡng cưỡng chế THADS khi tham gia cưỡng chế THADS cho các thành viên BCĐTHADS do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định theo quy định của pháp luật. Vì vậy, các địa phương vùng xa thu ngân sách còn hạn hẹp, nên việc cấp kinh phí hoạt động cho BCĐTHADS chỉ thực hiện ở cấp tỉnh và một số thị xã, thành phố trung tâm trực thuộc tỉnh, còn lại về cơ bản vẫn khó khăn.
Với vai trò tích cực của BCĐTHADS trong công tác THADS như đã phân tích, ở địa phương nào BCĐTHADS hoạt động tốt thì hiệu quả công tác THADS ở địa phương đó đạt cao, việc thực thi pháp luật được đảm bảo thực hiện, các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, các tổ chức và công dân được bảo vệ, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; ngược lại, nơi nào cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm thì kết quả thi hành án có hạn chế. Vì vậy, có thể coi việc tiếp tục kiện toàn hoạt động của BCĐTHADS là một trong những giải pháp căn cơ, có tính bền vững để đưa công tác THADS phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện tại và những năm tiếp theo. Để làm được điều này, các địa phương cần phải:
Thứ nhất,về nhận thức, cần xác định công tác THADS là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, giữa các Cục THADS, các BCĐTHADS trong Khu vực nên có sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để nhân rộng những cách làm hay trong hoạt động của BCĐTHADS để vận dụng vào điều kiện thực tiễn tại địa phương mình.
Thứ hai,Bộ Tư pháp và Tổng Cục Thi hành án dân sự cần nghiên cứu, xem xét có thể trích từ nguồn thu phí hàng năm của cơ quan thi hành án để chi trả phụ cấp kiêm nhiệm cho thành viên BCĐTHADS, hỗ trợ hoạt động của BCĐTHADS nhất là các địa phương còn khó khăn. Từ đó, đặt ra quy chế giữa Bộ Tư pháp và Tổng Cục THADS với BCĐTHADS cấp tỉnh nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của BCĐTHADS tại các địa phương.
ThS. Mai Thị Thuỳ Dung
Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp
[1]Theo Quyết định số 1684/QĐ-BTP ngày 05/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Công tác phía Nam.
[2]Trong 03 năm (2012, 2013 và 2014) số lượng thụ lý vụ việc luôn tăng theo hàng năm. Cụ thể: Năm 2012 (379.397 vụ), năm 2013 (438.551 vụ),năm 2014 (473.368 vụ); về giá trị: Năm 2012 (34.356.878.373 đồng), năm 2013 (51.131.309.212 đồng), năm 2014 (66.609.047.248 đồng). Trong 09 tháng đầu năm 2015, tổng số việc và giá trị phải thi hành của Khu vực chiếm 61.67% về việc và 70.44% về giá trị trên tổng số phải thi hành của cả nước.
[3]Một số tỉnh trong Khu vực, Trưởng BCĐTHADS do Chủ tịch tỉnh đảm nhiệm: Sóc Trăng, Vĩnh Long, Phú Yên, Tiền Giang, Đồng Nai.
[4](i) Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Bà Rịa – Vũng Tàuvà BCĐTHADS đã có buổi làm việc về công tác THA, nắm bắt tình hình chỉ đạo hoạt động nhằm giải quyết một số vụ việc khó khăn của các đơn vị trên địa bàn tỉnh. (ii) BCĐTHADS tỉnh Lâm Đồng họp 02 lần chỉ đạo giải quyết vụ bà Hồng và Công ty Phương Trang. (iii) BCĐTHADS tỉnh Hậu Giang tổ chức họp 03 lần xử lý 12 vụ việc có khó khăn, vướng mắc; BCĐTHADS tỉnh Sóc Trăng tiến hành 19 cuộc họp và đưa ra ý kiến chỉ đạo giải quyết 18 vụ việc; Cà Mau, Cần Thơ… sau khi họp BCĐTHADS có thông báo kết luận cho ý kiến giải quyết các vụ việc bằng văn bản.
[5]Tỷ lệ giải quyết xong so với chỉ tiêu được giao của tỉnh Long An qua các năm: Năm 2012: Về việc (đạt 85,96%/88% được giao); về giá trị (đạt 75,34%/77% được giao). Năm 2013: Về việc (đạt 83,82%/88% được giao), về giá trị (đạt 76,81%/ 77% được giao). Năm 2014: Về việc (đạt 88,20%/88% được giao), về giá trị (đạt 79,90%/83% được giao).
[6] Năm 2012: 79 việc, năm 2013: 50 việc (43 việc khiếu nại và 07 việc tố cáo), năm 2014: 42 việc (36 việc khiếu nại và 06 việc tố cáo).
Tham khảo thêm:
- Lạng Sơn với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
- Thực trạng bán hàng đa cấp ở TP. Hồ Chí Minh
- Một số bất cập về cách tính thời hạn khởi kiện theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009
- Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
- Một số kết quả sau 2 năm triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- Quy định của pháp luật về tặng cho tài sản ở một số quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam
- Thực tiễn công tác giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài có khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự
- Thu hồi tài sản tham nhũng theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay – Một số vấn đề đặt ra
- Luật Lý lịch tư pháp – Một số bất cập khi áp dụng trong thực tế
- Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử – Một số bất cập và hướng hoàn thiện