Trong thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em ở nước ta diễn ra rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Nếu như vào những năm 90 của thế kỷ XX, loại tội phạm này chỉ xuất hiện ở một số thành phố, tỉnh biên giới thì đến nay đã lan rộng ra hầu hết các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Phụ nữ, trẻ em bị mua bán qua biên giới với những tuyến trọng điểm như tuyến Việt Nam – Trung Quốc; Việt Nam – Campuchia, ngoài ra còn các tuyến khác như Đài Loan, Malaysia… Các địa bàn xảy ra nhiều ở phía Bắc như Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang…, ở phía Nam như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh… Những phụ nữ bị bán sang Trung Quốc chủ yếu để đàn ông Trung Quốc mua về làm vợ; số phụ nữ, trẻ em còn lại làm người giúp việc, làm con nuôi, làm “ô sin” bị ép buộc hành nghề mại dâm, bị bóc lột sức lao động… Những phụ nữ, trẻ em bị bán sang Campuchia và các nước khác thì bị đưa vào hoạt động trong các ổ mại dâm, phục vụ cho các đường dây sextour, bị bóc lột tình dục… hầu hết họ đều bị đối xử thậm tệ, bị đánh đập dã man, gây ra những hậu quả nặng nề cho bản thân, gia đình họ và xã hội. Tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em đã trở thành vấn đề nóng bỏng, nhức nhối, ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt của toàn xã hội, đến phong tục, tập quán, đạo đức xã hội, pháp luật của Nhà nước, cướp đi hạnh phúc của nhiều gia đình, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, tiềm ẩn những nhân tố xấu về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Để ngăn chặn tình trạng tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã phối hợp với các ngành, các cấp chủ động tiến hành nhiều biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em, nhất là từ khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 766/TTg ngày 17/9/1997 về “phân công trách nhiệm thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc đưa trái phép phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài”. Chính phủ cũng đã phê duyệt “Chương trình hành động phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 đến 2010” trong đó có 4 đề án lớn nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em. Cùng với việc triển khai các chương trình, đề án về phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em thì trong những năm qua chúng ta đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc gia, khu vực và quốc tế về phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em tại Việt Nam.
Một số thủ đoạn điển hình của bọn tội phạm mua bán người:
Qua nghiên cứu các vụ án mua bán phụ nữ và trẻ em cho thấy, chủ yếu bọn tội phạm lợi dụng sự kém hiểu biết của người bị hại ở những vùng sâu, vùng xa trong nội địa, những người không có việc làm, hoàn cảnh éo le, kinh tế khó khăn… để dụ dỗ, lừa phỉnh, hứa hẹn giúp đỡ tìm việc làm, tìm chồng… hoặc vẽ lên viễn cảnh một cuộc sống giàu sang hưởng lạc sau đó đưa họ ra thành phố hoặc đưa qua biên giới bán cho các ổ mại dâm, cho người nước ngoài lấy làm vợ… Đối với trẻ em thì bọn tội phạm dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạn được như bắt cóc, dụ dỗ, lừa đảo… rồi bán cho người nước ngoài làm con nuôi, bán qua biên giới để bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục… Bọn tội phạm không từ một thủ đoạn nào để biến những phụ nữ và những em nhỏ thành món hàng hoá đặc biệt để kiếm lời kể cả những thủ đoạn khống chế, cưỡng ép, đe doạ và dùng vũ lực.
Về đặc điểm đối tượng, qua nghiên cứu cho thấy đối tượng phạm tội là nữ chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới (từ 70 – 75%), phần lớn ở độ tuổi 20 đến 45 tuổi, chủ yếu là người Việt Nam, người nước ngoài thì người Campuchia, Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao hơn. Thành phần đối tượng phạm tội rất đa dạng về nghề nghiệp, ngoài bọn ma cô, môi giới dẫn dắt, những người làm nghề buôn bán ở những vùng biên giới, còn có cả những giám đốc, những nhân viên, những ông chủ khách sạn vì hám lợi mà tham gia thực hiện. Qua nghiên cứu các đối tượng phạm tội thường là những người có nhân thân xấu, nhiều đối tượng đã có tiền án, tiền sự về các tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội buôn lậu, buôn bán hàng cấm… Bọn tội phạm thường móc nối với các chủ chứa, môi giới, dẫn dắt để hình thành các đường dây mua bán phụ nữ và trẻ em ở trong nước và ra nước ngoài.
Những nguyên nhân chính tác động đến tình tội phạm mua bán người ở Việt Nam trong thời gian qua.
Qua nghiên cứu diễn biến và thực trạng tình hình tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em trong thời gian qua cho thấy những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm này do nhiều nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan khác nhau gây ra, song nó bị ảnh hưởng bởi những nguyên nhân chính sau:
Từ khi nước ta thực hiện chính sách kinh tế mở cửa, tăng cường giao lưu hội nhập với các nước thuận lợi đã tạo điều kiện để bọn tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. Mặt trái của kinh tế thị trường mà điển hình là sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội, nạn thất nghiệp gia tăng, nhiều người không có việc làm, chính những vấn đề này đã thúc đẩy nhiều người bước vào con đường làm ăn phi pháp và bọn tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em cũng lợi dụng những yếu tố này để hoạt động.
Việc kinh doanh trên thân xác và nhân phẩm người phụ nữ có thể đưa lại cho bọn tội phạm những khoản lợi nhuận khổng lồ nhưng những hậu quả pháp lý lại không nghiêm trọng như buôn bán ma tuý và một số tội phạm khác; chính vì vậy, nó thu hút, hấp dẫn bọn tội phạm hoạt động.
Sự lạc hậu, kém hiểu biết của nạn nhân cũng là một trong những nguyên nhân, là môi trường góp phần làm gia tăng các vụ phạm tội mua bán phụ nữ và trẻ em ở nước ta trong thời gian qua. Có những người phụ nữ bị lừa gạt, nhưng cũng có những người phụ nữ chấp nhận trở thành hàng hoá cho các phi vụ mua bán, bởi chính bản thân họ không ý thức được phẩm giá của mình, không lường trước được hậu quả tác hại do bọn tội phạm gây ra cho bản thân cũng như cho xã hội. Phần lớn trong số họ là những người kém hiểu biết, dễ tin, dễ bị lừa gạt, không am hiểu kiến thức pháp luật, không dám đấu tranh để bảo vệ chính bản thân mình.
Sự suy đồi về lối sống, sự đảo lộn về giá trị đạo đức của một bộ phận dân cư cũng là một trong những tác nhân làm gia tăng loại tội phạm này. Vì đồng tiền, vì cuộc sống xa hoa, họ bất chấp lương tri mà làm bất cứ việc gì để thoả mãn bản thân, ngay cả việc chà đạp lên tính mạng và phẩm giá con người.
Một trong những nguyên nhân mang tính xã hội nữa là tình trạng mất cân đối của tỷ lệ giữa nam và nữ trong cơ cấu dân số của một số nước láng giềng và trong khu vực đã phát sinh quan hệ cung cầu, kéo theo việc hình thành các đường dây mua bán phụ và trẻ em qua biên giới đi các nước, đặc biệt là Trung Quốc.
Việc phát hiện, điều tra và xử lý bọn tội phạm mua bán phụ và trẻ em hiệu quả chưa cao cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng loại tội phạm này ở nước ta trong thời gian qua. Mặc dù lực lượng Công an nhân dân, Viện kiểm sát, Toà án đã tích cực phối hợp với các ngành, các cấp trong đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em nhưng thực tế cho thấy tỷ lệ phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa cao, hình phạt áp dụng với người phạm tội chưa thích đáng cho nên tình hình tội phạm vẫn diễn ra phức tạp.
Những quy định của pháp luật về đấu tranh phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em.
Nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc đấu tranh phòng chống tệ nạn mua bán phụ nữ và trẻ em, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng đưa ra các đường lối chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc và bảo vệ phụ nữ và trẻ em ngày càng tốt hơn. Việt Nam đã tham gia ký kết Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (năm 1979), Công ước quốc tế về quyền trẻ em (năm 1989), ký kết hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với 12 nước, tham gia ký kết hầu hết các điều ước quốc tế về bảo vệ phụ nữ và trẻ em, pháp điển hoá các quy định về bảo vệ phụ nữ và trẻ em, quy định trong Bộ luật Hình sự các tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em để trừng trị thích đáng những hành vi này (Điều 119 và Điều 120 Bộ luật Hình sự). Ngày 17/9/1997 Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 776/TTg về “tăng cường trách nhiệm thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc đưa trái phép phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài”. Trong Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 138/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 đã có một đề án quy định một số nội dung về đấu tranh các tội phạm xâm phạm trẻ em và tội phạm do người chưa thành niên gây ra. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giai đoạn 1999 – 2002, trong đó quy định về phòng ngừa, đấu tranh phòng chống các tội xâm phạm trẻ em, mua bán trẻ em; phê duyệt “Chương trình hành động phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 đến 2010”(1) trong đó có 4 đề án lớn nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em… Luật sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự ngày 19/6/2009 đã quy định tội mua bán người Điều 119 và sửa đổi bổ sung Điều 120 Bộ luật Hình sự(2) nhằm mở rộng phạm vi đối tượng cần bảo vệ và cụ thể hoá trách nhiệm hình sự với loại tội phạm này. Tuy nhiên mặc dù đã có nhiều văn bản làm cơ sở pháp lý cho việc đấu tranh chống mua bán phụ nữ và trẻ em song những quy định này còn hạn chế hiệu quả, thiếu các giải thích cụ thể và hướng dẫn áp dụng… Vì vậy, chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn của yêu cầu đấu tranh chống loại tội phạm này trong tình hình mới.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người ở Việt Nam:
Trước tình hình diễn biến phức tạp của tội phạm mua bán người ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, theo chúng tôi để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các ngành các cấp, các lực lượng và nhiều biện pháp một cách đồng bộ đồng thời thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, xây dựng và hoàn thiện những quy định pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em. Quy định cụ thể và nghiêm khắc các chế tài trừng trị những hành vi mua bán phụ nữ và trẻ em.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tệ nạn mua bán người, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền pháp luật, các thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người đến từng gia đình và toàn xã hội. Giáo dục cho mọi công dân ý thức được hậu quả tác hại do bọn tội phạm gây ra cho nạn nhân và xã hội. Nâng cao cảnh giác trong quần chúng nhân dân, đề phòng và kịp thời phát hiện tố giác hoạt động của bọn tội phạm với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Giúp đỡ, tạo điều kiện để đưa những người bị mua bán, lừa gạt về đoàn tụ với gia đình, hoà nhập với cộng đồng, tạo điều kiện về công ăn việc làm để họ ổn định cuộc sống.
Ba là, tăng cường công tác quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội. Quản lý chặt chẽ hộ tịch, hộ khẩu, quản lý giấy tờ đi lại ở các vùng biên giới, quản lý chặt chẽ công tác xuất nhập cảnh. Theo dõi, giám sát chặt chẽ các hoạt động dịch vụ nhà hàng khách sạn, dịch vụ môi giới hôn nhân, nhận con nuôi, các bệnh viện phụ sản, nhà trẻ sơ sinh… Theo dõi chặt chẽ các đối tượng nghi vấn, tăng cường công tác sưu tra và xác minh hiềm nghi, huy động sự tham gia của quần chúng nhân dân ở các địa bàn trọng điểm, các vùng biên giới vào công tác phòng chống các tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em.
Bốn là, tăng cường các hoạt động phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử: Lực lượng Công an nhân dân phải phối hợp chặt chẽ với Bộ đội biên phòng, lực lượng Hải quan và các ngành hữu quan để kịp thời phát hiện điều tra khám phá những đường dây mua bán phụ nữ và trẻ em, phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát và Toà án nhanh chóng truy tố, xét xử công khai, với mức hình phạt nghiêm khắc để vừa trừng trị, giáo dục người phạm tội, vừa có ý nghĩa răn đe phòng ngừa chung. Trừng trị nghiêm khắc những băng nhóm có tổ chức, những tên cầm đầu, chủ mưu.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em. Lực lượng Công an nhân dân phải phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát các nước, với Interpol, Aseanapol… để kịp thời trao đổi nắm bắt các thông tin tội phạm, phối hợp điều tra, bắt giữ và xử lý người phạm tội. Tăng cường các hoạt động tương trợ tư pháp hình sự với các nước trong đấu tranh phòng chống các tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em.
Sáu là, tổ chức tốt việc tái hoà nhập cộng đồng cho những nạn nhân bị buôn bán. Kịp thời đưa những phụ nữ và trẻ em bị mua bán về sum họp với gia đình, hoà nhập với cộng đồng, phối hợp các cơ quan đoàn thể như Công an, Đoàn thành niên, Hội phụ nữ, Công đoàn, Y tế, thương binh – xã hội… tạo điều kiện giúp đỡ họ nhanh chóng khắc phục những khó khăn, xoá đi những mặc cảm về bản thân, có việc làm để ổn định cuộc sống.
Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ, đặc biệt là cho thanh thiếu niên, những đối tượng có nguy cơ bị xâm hại cao, dễ trở thành nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người. Ưu tiên các chính sách phát triển kinh tế – xã hội cho các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vá các vùng nông thôn. Chú trọng đến việc dạy nghề, bố trí việc làm, xoá đói, giảm nghèo cho phụ nữ và trẻ em. Lồng ghép các chương trình kinh tế – xã hội của Trung ương và địa phương ở các địa phương trên cả nước, cần có chính sách xã hội đối với những phụ nữ, trẻ em gặp khó khăn, tập trung cho những đối tượng như phụ nữ độc thân, trẻ em lang thang.
Trần Minh Hưởng
________________
(1) Chương trình 130 – Chương trình hành động phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2004 – 2010.
(2) Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em Điều 120 Bộ luật Hình sự.
Tham khảo thêm:
- Bài giảng về những điểm mới của Bộ luật hình sự năm 2015
- Quy định dẫn giải đối với người bị hại từ chối giám định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
- Bài giảng của Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào về nội dung cơ bản của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
- Thực trạng pháp luật lao động về kỷ luật sa thải và một số kiến nghị
- Vướng mắc trong quy định của Bộ luật lao động về bồi thường chi phí đào tạo của người lao động
- Một số điểm mới của chế định bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của Bộ luật dân sự năm 2015
- Một số vấn đề của PL về giao dịch bảo đảm cần tiếp tục hoàn thiện theo quy định của BLDS 2015[1]
- Quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong hợp đồng lao động cần được hướng dẫn
- Áp dụng tập quán trong pháp luật dân sự- những vướng mắc, bất cập cần hoàn thiện
- Hoàn thiện các quy định của pháp luật về rút ngắn thời gian thử thách của án treo